CHI PHÍ NUÔI XE ÔTÔ HÀNG THÁNG
05/07/2022 09:07:00
Khi có ý định mua Ô tô, bên cạnh khoản tiền cần trả để rước xế về nhà, chi phí sử dụng xe cũng là câu hỏi được nhiều người quan tâm: Thu nhập bao nhiêu thì có thể mua xe, các chi phí phát sinh trong quá trình sử dụng, chi phí để “nuôi” một chiếc xe hằng tháng… Đây là bài toán không dễ giải và cần phải tính trước đến trước khi quyết định xuống tiền.
Sau đây, Honda Ôtô Bắc Ninh - Võ Cường xin tổng hợp và liệt kê các loại chi phí phát sinh sau khi mua xe ô tô. Tất nhiên nó không thể chính xác với từng gia đình và chỉ mang tính chất tham khảo.
Các loại chi phí khi sử dụng xe
Chi phí sử dụng ô tô được chia thành 2 loại gồm: Chi phí cố định và chi phí linh hoạt.
Chi phí nuôi Ô tô cố định
Đây là loại chi phí bắt buộc chúng ta phải chi trả, dù xe ô tô có lăn bánh hay không sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký và đăng kiểm lần đầu.
1. Chi phí đăng kiểm
Để có thể lưu thông trên đường, xe bắt buộc phải qua đăng kiểm định kỳ. Thời gian đăng kiểm định kỳ tùy thuộc vào năm sản xuất của xe. Với dòng ô tô dưới 10 chỗ, các mốc đăng kiểm định kỳ lần lượt như sau: 18 tháng (xe sản xuất dưới 7 năm), 12 tháng (xe sản xuất 7 – 12 năm), 6 tháng (xe sản xuất trên 12 năm và xe kinh doanh vận tải).
Phí đăng kiểm áp dụng cho các loại phương tiện dưới 10 chỗ ngồi không tham gia kinh doanh là 240.000 đồng và phí cấp giấy chứng nhận kiểm định là 50.000 đồng. Tổng chi phí đăng kiểm là 340.000 đồng.
2. Lệ phí bảo trì đường bộ
Đây là loại phí bắt buộc theo quy định. Đối với xe chở người dưới 10 chỗ đăng ký tên cá nhân, lệ phí bảo trì đường bộ là 130.000/ tháng. Lệ phí bảo trì đường bộ được thu hằng năm hoặc theo thời gian của chu kỳ đăng kiểm: 6 tháng, 12 tháng, 18 tháng,…tùy theo điều kiện và nhu cầu của chủ xe.
Tương ứng các mức đóng:
• 780.000 đồng/6 tháng
• 1.560.000 đồng/12 tháng
• 2.280.000 đồng/18 tháng
• 3.660.000 đồng/30 tháng
3. Phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS)
Đây là một loại bảo hiểm bắt buộc đối với chủ xe ô tô, được Luật giao thông đường bộ quy định. Mức lệ phí bảo hiểm bắt buộc TNDS được quy định tùy theo loại xe và chủ xe phải đóng hàng năm.
Đối với xe không kinh doanh vận tải:
• Dưới 6 chỗ ngồi: 437.000 đồng
• Từ 6 – 11 chỗ ngồi: 794.000 đồng
• Từ 12 – 24 chỗ ngồi: 1.270.000 đồng
• Trên 24 chỗ ngồi: 1.825.000 đồng
• Xe vừa chở người vừa chở hàng (Pickup, minivan): 933.000 đồng
Đối với xe kinh doanh vận tải:
• Dưới 6 chỗ ngồi theo đăng ký: 756.000 đồng
• 6 chỗ ngồi theo đăng ký: 929.000 đồng
• 7 chỗ ngồi theo đăng ký: 1.080.000 đồng
• 8 chỗ ngồi theo đăng ký: 1.253.000 đồng
• 9 chỗ ngồi theo đăng ký: 1.404.000 đồng
4. Phí bảo hiểm vật chất
Phí bảo hiểm vật chất thường được gọi là bảo hiểm thân vỏ hay bảo hiểm 2 chiều. Đây là loại bảo hiểm về thiệt hại vật chất như máy móc, thân vỏ… do tai nạn nằm ngoài sự kiểm soát của chủ xe. Bảo hiểm vật chất là bảo hiểm ô tô tự nguyện. Tuy nhiên, để đề phòng rủi ro, hầu hết chủ xe đều mua loại bảo hiểm này vì chi phí khắc phục các thiệt hại về vật chất của ô tô khá cao.
Mức bảo hiểm thông thường giao động trong khoảng 1,5% giá trị xe. Tùy thuộc dòng xe, mức độ cũ/mới, thời gian sử dụng, số tiền chủ xế phải chi sẽ khác nhau.
Trung bình mức phí bảo hiểm vật chất sẽ từ 6 – 25 triệu đồng/năm tùy theo giá trị xe.
Chi phí nuôi Ô tô linh hoạt
Bên cạnh chi phí nuôi ô tô cố định, chủ xe cần phải bỏ thêm một khoản tiền không nhỏ cho các chi phí không cố định khác. Mức phí này phụ thuộc vào mức độ sử dụng xe của từng người.
1. Phí xăng/dầu
Với giá xăng đang lập đỉnh như hiện nay. Chi phí dành cho khoản này chắc hẳn sẽ là mối quan tâm rất lớn với nhiều hộ gia đình. Chi phí nhiên liệu sẽ tùy thuộc vào loại xe sử dụng và quãng đường Ô tô di chuyển. Nếu bạn sử dụng xe nhiều, chi phí xăng/dầu sẽ càng cao và ngược lại.
Ví dụ, với Honda City - mẫu xe đại diện cho dòng Sedan hạng B – mức tiêu thụ nhiên liệu từ 4,73 – 7,29 lít/ 100 km. Mỗi tháng xe chạy trung bình 1.000 km, chi phí tiền xăng hàng tháng trung bình rơi vào khoảng 1,5 triệu – 2,3 triệu (giá xăng tạm tính: 32.000 đồng/lít).
Honda nổi tiếng với những động cơ mạnh mẽ nhưng vẫn tiết kiệm
2. Phí cầu đường BOT
Xe ô tô khi đi qua các trạm thu phí BOT phải mua vé. Tuỳ theo tuyến đường mà giá vé qua các trạm BOT sẽ khác nhau. Với dòng xe dưới 12 chỗ ngồi, giá vé qua trạm từ 15.000 – 50.000 đồng/lượt.
Với hiện trạng ngày càng nhiều trạm BOT, mức phí cầu đường cũng dần chiếm tỷ trọng lớn trong những chi phí nuôi xe cơ bản.
3. Chi phí bảo dưỡng, sửa chữa
Chi phí bảo dưỡng các dòng xe Honda khá thấp
Để xe vận hành trơn tru và bền bỉ, cần kiểm tra và bảo dưỡng định kỳ theo lịch bảo dưỡng ô tô của hãng. Mỗi loại xe sẽ có một mức chi phí bảo dưỡng khác nhau. Thông thường, xe có giá càng cao thì chi phí bảo dưỡng sẽ càng cao. Các dòng xe cũ có chi phí bảo dưỡng cao hơn các xe mới. Tùy theo cấp bảo dưỡng, chi phí này khoảng từ vài trăm đến vài triệu đồng.
Bên cạnh phí bảo dưỡng, chủ xe có thể phải chi thêm các khoản sửa chữa nếu xe gặp trục trặc, hư hỏng. Chi phí này từ vài triệu đến vài chục triệu đồng tùy mức độ hư hỏng. Chi phí bảo dưỡng, sửa chữa là một trong các khoản phí cao nhất khi sử dụng Ô tô
4. Phí gửi xe bên ngoài
- Phí giữ xe ô tô ở một số hàng quán khoảng 20.000 đồng/lượt.
- Phí đậu xe ở lòng đường trên một số tuyến đường cho phép khoảng 25.000 – 40.000 đồng/giờ.
- Phí giữ xe dưới tầng hầm các trung tâm thương mại tầm 35.000 đồng/2 giờ đầu tiên. Mỗi giờ tiếp theo là 20.000 đồng/giờ.
Trung bình 1 tháng, phí giữ xe ô tô bên ngoài khoảng 1 triệu - 2 triệu đồng.
Chi phí nuôi xe Ô tô 1 năm tương ứng với từng dòng xe
Xe ô tô cỡ nhỏ
Xe Ô tô cỡ nhỏ thường là các dòng xe Hatchback hạng A, Sedan hạng B. Giá xe khoảng từ 300 – 600 triệu đồng. Đây là các dòng xe có chi phí sử dụng thấp nhất bởi chi phí xăng dầu thấp (động cơ cỡ nhỏ), chi phí bảo dưỡng thấp,…
Mẫu xe tiêu biểu: Honda Brio, Honda City, Kia Morning, Hyundai Grand i10, Ford Fiesta, Suzuki Swift, Mazda 2, Chevrolet Spark…
Tiêu thụ nhiên liệu trung bình dao động trong khoảng từ 5,5 – 6,5 lít/100km (địa hình hỗn hợp). Mỗi lần bảo dưỡng định kỳ cấp 1 mất dưới 1 triệu VND. Bảo dưỡng tổng thể cấp 2 khoảng từ 3 – 4,5 triệu đồng tùy từng xe. Chi phí thay thế phụ tùng hỏng hóc cũng tương đối thấp.
Chi phí nuôi trung bình tầm 2 – 4 triệu đồng/ tháng (24 – 48 triệu đồng/ năm)
Xe ô tô phổ thông cỡ vừa
Thường là những xe Sedan hạng C, mẫu xe Crossover/SUV cỡ nhỏ, gầm cao hạng C. Giá xe khoảng từ 600 – 800 triệu đồng.
Mẫu xe tiêu biểu: Honda Civic, Honda HR-V, Toyota Corolla Altis, Ford Focus sedan và hatchback….
Mức tiêu thụ nhiên liệu của dòng xe hạng này khoảng 8 lít/100km đường trường, tương đương với 13 lít/100km đường đô thị. Chủ xe hàng tháng sẽ tốn thêm từ 4 - 6 triệu đồng khi di chuyển quãng đường 1.500km.
Chi phí nuôi trung bình tầm 3 – 6 triệu đồng/tháng (36 – 72 triệu đồng/năm)
Xe hạng trung cao cấp
Các xe Ô tô hạng trung cao cấp là những dòng Sedan hạng D, Crossover hạng trung, SUV 7 chỗ hạng D. Giá xe từ 900 – 1,4 tỷ đồng.
Mẫu xe tiêu biểu: Honda CR-V, Honda Accord, Toyota Camry, Ford Mondeo, Nissan Teana,…
Chi phí nuôi trung bình tầm 4 – 8 triệu đồng/tháng (48 – 96 triệu đồng/năm)
Xe ô tô hạng sang
Các dòng xe hạng sang thường thấy ở thị trường Việt Nam là các dòng Sedan cỡ nhỏ (Mercedes C180 – C200 – C300, Audi A4, BMW 320i – 330i…), xe sedan cỡ trung (Mercedes E200 – E300, Audi A6, BMW 520i – 530i…), xe sedan cỡ lớn (Mercedes Maybach, Audi A8…), xe SUV cỡ nhỏ (Mercedes GLC 300, Audi Q5, BMW X3…), xe SUV cỡ trung (Mercedes GLE, Audi Q7, BMW X5…). Giá xe từ 4 tỷ - 7 tỷ đồng.
Chi phí để nuôi xe hạng sang khá đắt đỏ. Đặc biệt là chi phí bảo dưỡng, thay thế phụ tùng. Thông thường xe sang giá càng cao, bảo dưỡng càng phức tạp, dẫn đến chi phí bảo dưỡng càng cao.
Xe sang thường sử dụng động cơ hiệu suất cao, mức tiêu thụ trung bình khoảng 12 – 20 lít/100km, tùy thuộc vào quãng đường di chuyển. Do đó, chi phí xăng dầu của xe sang cũng cao hơn xe phổ thông rất nhiều.
Chi phí nuôi trung bình tầm 8 – 15 triệu đồng/tháng (96 – 180 triệu đồng/năm).
Chi phí nuôi xe ô tô cũ
Việc mua xe cũ giúp bạn tậu được một chiếc xe ở phân khúc cao hơn trong tầm ngân sách có hạn. Tuy nhiên điều này sẽ đẩy bạn đến những rắc rối nhỏ trong quá trình sử dụng xe cùng chi phí sử dụng, bảo dưỡng khá cao.
Tỷ lệ phí bảo hiểm vật chất ôtô cũng tăng dần theo thời gian sử dụng. Tỷ lệ phí bảo hiểm vật chất của xe sản xuất dưới 5 năm sẽ thấp hơn xe sản xuất từ 5 - 10 năm. Ngoài ra, do hệ thống máy móc xuống cấp, xe ô tô đời cũ sẽ thường tiêu tốn nhiên liệu hơn so với các xe đời mới.
Điều này sẽ làm giảm ít nhiều niềm vui sở hữu ô tô. Vì thế, khi đã quan tâm đến mua xe cũ, bạn cần xem xét chi phí “nuôi” xe tăng từ 10 - 30% (tùy theo độ tuổi của xe) so với chi phí của xe đó khi còn mới
Kết luận
Với các dòng xe 4 bánh, câu chuyện mua xe không quan trọng bằng câu chuyện nuôi xe. Do đó, trước khi ra quyết định, khách hàng cần tìm hiểu thật kỹ các chi phí phát sinh khi sử dụng ô tô.
Trên đây là dự tính chi phí nuôi ô tô hàng tháng dành cho những khách hàng đang có ý định mua xe. Mức phí này chỉ mang tính tương đối và thay đổi phụ thuộc vào mức độ di chuyển của chiếc xe trên đường, khả năng giữ xe và điều kiện của chủ xế. Bạn hãy tham khảo để có những tính toán hợp lý và lựa chọn chiếc ô tô phù hợp sao cho tiết kiệm chi phí nhất nhé!