Cùng điểm lại những chiếc ô tô trở thành biểu tượng của nền văn hóa đại chúng toàn cầu

07/04/2018 11:04:00

Những dòng ô tô đã khắc sâu vào văn hóa đại chúng

 

Hầu hết các dòng ô tô chỉ được coi là phương tiện di chuyển hoặc cao cấp hơn một chút là tài sản tiết kiệm. Tuy nhiên, có những mẫu xe, vượt qua thời gian và khoảng cách, đã trở thành biểu tượng của nền văn hóa đại chúng (Pop culture) toàn cầu.

Một người dùng bình thường có lẽ chỉ cần một chiếc xe ổn định, bền bỉ để sử dụng. Tuy nhiên, có những hoàn cảnh đặc biệt xảy ra biến phương tiện di chuyển hàng ngày của chúng ta thành một biểu tượng cao cấp hơn thế. Chúng có thể đại diện cho một tổ chức, một quốc gia, một nhóm người hoặc cao hơn cả là một nền văn hóa.

Dưới đây là những mẫu xe đã để lại dấu ấn trong lịch sử văn hóa đại chúng toàn cầu.

Volkswagen Beetle (1938)

Những dòng ô tô đã khắc sâu vào văn hóa đại chúng - Ảnh 1.

Phiên bản gốc của Volkswagen Beetle ra mắt vào năm 1938 dù cái tên này phải về sau mới được áp dụng nhờ dáng vẻ đặc biệt của mình. Chiếc Beetle đầu tiên đặt chân tới Mỹ vào tháng 1/1949. Sau khởi đầu chậm chạp vì sự cạnh tranh khốc liệt tới từ Renault 4CV, Fiat 600 và Saab 93, Beetle dần dần nghiền nát mọi đối thủ bằng mạng lưới bán hàng hiệu quả.

Chỉ riêng trong năm 1968, hãng đã giao 423.000 chiếc Beetle tới tay khách hàng tại đây, một con số khổng lồ trong giai đoạn đó. Chú bọ cánh cứng tới từ Đức đặc biệt được các gia đình ưa chuộng trong khi nhóm thanh niên trẻ cũng bị lôi cuốn bởi vẻ ngoài độc đáo và trở thành một hình ảnh không thể thiếu trong cảnh quan nói chung của quốc gia này. Chỉ tới giai đoạn những năm 90, Beetle mới bước vào giai đoạn thoái trào.

Ford F-Series (1948)

Những dòng ô tô đã khắc sâu vào văn hóa đại chúng - Ảnh 2.

Chiếc bán tải này là niềm tự hào của người dân Mỹ và cũng là một phần không thể thiếu khi nhắc tới văn hóa của quốc gia này. Xuất hiện ở mọi lĩnh vực từ điện ảnh cho tới âm nhạc, F-Series là đại diện của xe bán tải - thế lực thống trị nền công nghiệp ô tô Mỹ từ trước tới nay (với riêng F-Series đã dẫn đầu thị trường trong... 41 năm liên tiếp) và xét tình hình thị trường hiện giờ, giai đoạn trị vì của ông vua không ngai này còn lâu mới kết thúc.

Volkswagen Bus (1949)

Những dòng ô tô đã khắc sâu vào văn hóa đại chúng - Ảnh 3.

Mục đích ban đầu của Volkswagen khi phát triển và chế tạo dòng Bus không phải là để trở thành biểu tượng văn hóa. Đó, theo những gì mà Volkswagen giới thiệu, chỉ là một dòng van đơn thuần giúp mang lại phương tiện đi lại hoặc chuyên chở rẻ, hiệu quả và tin cậy.

Van là dòng xe đặc biệt phổ biến ở châu Âu trong giai đoạn thập niên 40 và 50 của thế kỷ trước vì sự bùng nổ của chiến tranh thế giới thứ II để tải vũ khí/quân lương hoặc sau thời chiến là vật liệu xây dựng để tái cơ cấu cơ sở hạ tầng các quốc gia tham chiến.

Tại Mỹ, Bus trở thành biểu tượng của giới... hippie vào giai đoạn sau đó, từ năm 1960 trở đi. Thường chúng được sơn màu lòe loẹt, rực rỡ để làm nổi bật bản thân và chủ nhân sở hữu chúng. Dòng xe này cũng nhanh chóng xuất hiện rộng rãi trong âm nhạc, phim ảnh (nổi bật nhất là bộ phim Scooby Doo) và các hình tượng văn hóa nói chung.

Chevrolet Corvette (1953)

Những dòng ô tô đã khắc sâu vào văn hóa đại chúng - Ảnh 4.

Trái với Volkswagen với Bus, ngay từ ban đầu Chevrolet đã thể hiện tham vọng biến Corvette thành một "nam châm" thu hút sự chú ý và họ đã thành công. Dù doanh số khởi điểm cũng khá chậm chạp nhưng với việc công suất, độ quyến rũ và tốc độ được cải thiện qua từng thời kỳ, Corvette đã trở thành một trong những dòng xe cơ bắp biểu tượng của Bắc Mỹ nói riêng và thế giới nói chung.

Ford Mustang (1964)

Những dòng ô tô đã khắc sâu vào văn hóa đại chúng - Ảnh 5.

Vượt xa mọi kỳ vọng của Ford khi ra mắt tại Hội chợ thế giới năm 1964, Mustang trở thành mẫu xe cần-phải-có tại Mỹ cho mọi lứa tuổi vào giai đoạn sau này. Số lượng các bộ phim và show truyền hình Mustang xuất hiện đếm không xuể, từ Bullitt, Goldfinger cho tới Diamonds Are Forever.

Ngay cả tới bây giờ, sức hút của Mustang vẫn không giảm sút. Mẫu xe này cũng đang làm mưa làm gió trong làng xe thể thao tại châu Âu kể từ khi ra mắt mới đây.

Alfa Romeo Duetto (1966)

Những dòng ô tô đã khắc sâu vào văn hóa đại chúng - Ảnh 6.

Khác với những mẫu xe khác trong danh sách, Duetto trở nên nổi như cồn nhờ xuất hiện trong bộ phim The Graduate (1967) với sự xuất hiện của nam tài tử Dustin Hoffman. Cũng nhờ đó mà xe mới có thể tồn tại tới tận những năm 1990 trước khi bị thương hiệu Italia khai tử.

Batmobile (1966)

Những dòng ô tô đã khắc sâu vào văn hóa đại chúng - Ảnh 7.

Batmobile xuất hiện lần đầu trong series truyện tranh của DC vào năm 1939 và sau đó được hiện thực hóa theo từng giai đoạn thời gian. Giai đoạn 1966 đánh dấu thời điểm dòng Cadillac được chọn làm Batmobile trước khi chuyển lên hàng siêu xe như những bộ phim gần đây.

Dodge Charger (1966)

Những dòng ô tô đã khắc sâu vào văn hóa đại chúng - Ảnh 8.

Phiên bản gốc của Charger ra mắt vào năm 1966 nhưng xe chỉ tiến lên hàng siêu sao toàn cầu vào thế hệ thứ 2 khi xuất hiện trong series phim truyền hình The Dukes of Hazzard. Với tên gọi General Lee, chiếc Charger 1969 là mô hình xe xuất hiện nhiều nhất trong thế giới trò chơi tính tới tận bây giờ.

Toyota Corolla (1966)

Những dòng ô tô đã khắc sâu vào văn hóa đại chúng - Ảnh 9.

Cái tên Corolla bắt đầu xuất hiện trong danh mục của Toyota từ năm 1966. Vào thời điểm đó có lẽ chẳng ai nghĩ rằng chiếc sedan bình dân này sẽ trở thành mẫu xe bán chạy nhất trong vài thập kỷ kế tiếp, chưa kể tới việc trở thành dòng xe được ưa chuộng bậc nhất tại Mỹ.

Ổn định bền bỉ và đáng tin cậy là những đặc tính đã được gắn liền với Corolla. Dù vậy, việc Toyota chậm thay đổi đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới doanh số xe trong những năm gần đây.

Honda Accord (1976)

Những dòng ô tô đã khắc sâu vào văn hóa đại chúng - Ảnh 10.

Ford giới thiệu dòng Taurus để cạnh tranh với cơn bão tới từ sedan Nhật (Toyota Camry và Honda Accord) nhưng chỉ thành công được một thời gian ngắn vào cuối thập niên 80. Honda vẫn là kẻ chiến thắng cuối cùng trong cuộc đua này khi trở thành dòng xe bán chạy nhất vào năm 1989 trước khi liên tục bị các đối thủ từ Toyota vượt mặt.

DeLorean DMC-12 (1981)

Những dòng ô tô đã khắc sâu vào văn hóa đại chúng - Ảnh 11.

Mẫu xe kinh điển tới từ bộ phim Back to the Future (1985). Thiết kế kỳ lạ vào thời điểm đó lại rất hợp với mạch truyện của bộ phim và giúp DMC-12 được đặt biệt danh "Cỗ máy thời gian". Cho tới tận bây giờ việc sở hữu một chiếc DeLorean DMC-12 vẫn là mơ ước với nhiều người.

Dodge Caravan (1983)

Những dòng ô tô đã khắc sâu vào văn hóa đại chúng - Ảnh 12.

Chrysler là hãng xe tiên phong trong việc giới thiệu dòng xe minivan hiện đại với chiếc Dodge Caravan. Trước thời điểm xe ra mắt, những gia đình phổ thông có con nhỏ/vật nuôi tại Mỹ ưa chuộng dòng station wagon hơn.

Chiếc Caravan ăn điểm nhờ nội thất rộng rãi (do trần xe cao), cửa sau dạng trượt tiện lợi và khung gầm ổn định dựa trên dòng sedan giúp cải thiện khả năng đánh lái và hiệu suất nhiên liệu.

Yugo GV (1985)

Những dòng ô tô đã khắc sâu vào văn hóa đại chúng - Ảnh 13.

Không phải mẫu xe nào cũng để lại tên tuổi trong nền văn hóa đại chúng nhờ điểm mạnh của mình. Yugo GV, ra mắt vào năm 1985, được nhớ tới bởi sự... tồi tệ của nó. Ngoài việc là mẫu xe rẻ nhất từng được bán tại Mỹ, GV còn "vinh hạnh" là mẫu xe chậm nhất và ngắn nhất, đồng thời cũng chẳng đáng tin cậy chút nào.

Jeep Wrangler (1986)

Những dòng ô tô đã khắc sâu vào văn hóa đại chúng - Ảnh 14.

Được thiết kế để kế nhiệm dòng CJ, Wrangler vụt sáng trở thành ngôi sao của Jeep từ 1986 tới giờ. Khi được hỏi về một mẫu xe địa hình Mỹ, Jeep mà gương mặt tiêu biểu là Wrangler là những gì mà 90% người tiêu dùng tưởng tượng ra trong đầu.

 

Dù thiết kế hiện giờ đã tân tiến và hiện đại hơn nhiều nhưng giá trị cốt lõi của xe vẫn không đổi: mạnh mẽ, nổi bật và cơ bắp. Ngay cả thời gian, các quy định khắc nghiệt và sự sa sút của tập đoàn Chrysler cũng không làm mất đi hình ảnh chiếc SUV trong tâm trí người dùng.

Ford Explorer (1990)

Những dòng ô tô đã khắc sâu vào văn hóa đại chúng - Ảnh 15.

Việc vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ Jeep Cherokee và Chevrolet S-10 Blazer khi ra mắt vào thập niên 90 cũng không thể ngăn cản Explorer nhanh chóng vươn lên top dẫn đầu trong phân khúc xe SUV tại Mỹ. Vào thời điểm đó, mỗi khu nhà tại đây luôn có ít nhất một chiếc Explorer đậu ở bãi đỗ. Hình ảnh xe cũng xuất hiện trong vô số các bộ phim hành động chẳng hạn như Jurassic Park (1993).

Ford Crown Victoria (1992)

Những dòng ô tô đã khắc sâu vào văn hóa đại chúng - Ảnh 16.

Thay vì nhắm tới đối tượng khách hàng thông thường, Ford ra mắt Crown Victoria để phục vụ mục đích công cộng và các nhóm tổ chức. Kết quả, họ đã thành công. Crown Victoria nhanh chóng trở thành dòng xe cảnh sát và taxi "độc tôn" tại Mỹ vào những năm 90.

Giờ nếu bạn có dịp tới thăm New York hay các thành phố lớn ở quốc gia này, hình ảnh những chiếc taxi Crown Victoria màu vàng có lẽ vẫn còn xuất hiện đâu đó.

Toyota Prius (1997)

Những dòng ô tô đã khắc sâu vào văn hóa đại chúng - Ảnh 17.

Toyota giới thiệu Prius tại Mỹ 3 năm sau ngày ra mắt đầu tiên ở quê nhà Nhật Bản (2000). Dù không phải là dòng xe hybrid xăng - điện đầu tiên bán ra tại quốc gia này (vinh dự đó thuộc về Honda Insight) nhưng Prius lại thu về thành công vượt trội.

Vào thời điểm đó không ai biết tương lai chiếc xe với thiết kế phổ thông này sẽ ra sao - có những người nghi ngờ khả năng của Prius (với tiền lệ là thất bại của dòng EV-1 của GM), có người thì cho rằng xe sẽ mở ra một kỷ nguyên mới của xe hơi. Xét trên tình hình bây giờ, có thể nói vế thứ 2 đúng hơn cả.

Hummer H2 (2002)

Những dòng ô tô đã khắc sâu vào văn hóa đại chúng - Ảnh 18.

Với H2, Hummer đã cố gắng nhồi nhét chất H1 vào một bộ khung nhỏ nhắn hơn để phù hợp hơn với gu sở thích của các khách hàng phổ thông. Chiến lược này của họ... suýt thành công với cao điểm là năm 2003 khi 34.259 chiếc được giao tới tay khách hàng.

Dù vậy, kích cỡ vẫn còn quá lớn của H2, thiết kế có phần khoa trương và hiệu suất nhiên liệu khủng khiếp theo đúng nghĩa đen đã ngăn cản chiếc SUV mở rộng lãnh thổ. Không lâu sau đó, Hummer bị GM khai tử.

Tesla Model S (2012)

Những dòng ô tô đã khắc sâu vào văn hóa đại chúng - Ảnh 19.

Có thể ít người biết đến việc dòng xe đầu tiên của Tesla, chiếc Roadster (trùng tên với siêu xe sắp ra mắt của họ) mượn bộ khung của chiếc Lotus Elise. CEO và nhà đồng sáng lập công ty, ông Elon Musk sau đó quyết định Tesla sẽ tự phát triển một dòng xe từ A tới Z thay vì phải đi vay mượn các thương hiệu khác, vậy là Model S ra đời.

Phải nói rằng quyết định tự lập bước đi vào thời điểm đó hoàn toàn có thể đẩy Tesla vào con đường phá sản nhưng kết quả cuối cùng đã cho thấy vị CEO lựa chọn con đường đúng đắn. Không chỉ là một mẫu xe đơn thuần, Model S giờ đã trở thành biểu tượng toàn cầu cho dòng xe xanh – xe điện thế hệ mới.

Theo: Autopro

 

Đang xử lý...