Xe gia đình cỡ nhỏ liệu có giảm giá mạnh vào năm 2018?

19/06/2017 11:06:00

Đề xuất này hứa hẹn sẽ mang những "con gió" mới cho thị trường ôtô Việt Nam, đặc biệt khi mà vào năm 2018 tới đây, thuế Tiêu thụ Đặc biệt sẽ còn giảm từ 40% xuống còn 35% đối với các mẫu xe dung tích dưới 1.500cc

Hầu hết các mẫu xe du lịch hạng B hiện đều được sản xuất trong nước và là sản phẩm chủ lực của các thương hiệu ôtô tại Việt Nam, như Chevrolet Aveo, Ford Fiesta, Honda City, Mazda2, Nissan Sunny, Toyota Vios... Một số ít các mẫu xe được nhập khẩu nguyên chiếc như KIA Rio, Mitsubishi Attrage/Mirage, Suzuki Ciaz.

Dù đã có lộ trình thay đổi thuế nhập khẩu, nhưng hiện vẫn chưa thông tin rõ ràng về các hàng rào kỹ thuật khác (thuế/phí), nên có nhiều ý kiến cho rằng ngay trong năm 2018 tới, sẽ không có những kế hoạch "ly khai" từ sản xuất chuyển sang nhập khẩu.

Nhiều đánh giá cho rằng ít nhất đến năm 2018 tới đây, các hãng vẫn tiếp tục duy trì lắp ráp trong nước xe thuộc phân khúc này, thay vì nhập khẩu nguyên chiếc. Việc duy trì các dây chuyền và nhân công hiện có sẽ khả quan hơn là nhập khẩu xe nguyên chiếc, do doanh số tại Việt Nam chưa đủ lớn và khác biệt về thị trường (Việt Nam sử dụng tay lái bên trái) sẽ dẫn đến chi phí sản xuất tại các nhà máy ở Thái Lan, Indonesia, Malaysia cao hơn hẳn.

Hơn nữa, theo tính toán của các nhà sản xuất, kể cả khi thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) giảm đối với phân khúc này vào năm 2018 (từ 40% xuống còn 35%) cũng sẽ không có tác động lớn.

Sự chênh lệch về giá bán một mẫu xe hạng B dùng động cơ có dung tích xy-lanh dưới 1.500 cc, sau khi được giảm 5% thuế Tiêu thụ Đặc biệt vào năm 2018.

Lấy ví dụ, vào thời điểm hiện tại, một mẫu xe hạng B lắp ráp trong nước có giá buôn khoảng 370 triệu đồng phải chịu thuế TTĐB 40%, các chi phí bán hàng/quảng cáo của đại lí và thuế GTGT 10% nên khi đến tay người tiêu dùng sẽ có giá bán lên khoảng 600 triệu đồng.

Cũng mẫu xe này, sang năm 2018, giá bán sẽ chỉ giảm khoảng 20 triệu đồng, tương đương mức giảm 3%.

Trong khi đó, một thông tin khá thu hút sự chú ý của thị trường ôtô Việt Nam là Bộ Công thương đưa ra đề xuất miễn thuế Tiêu thụ Đặc biệt đối với phần giá trị của ôtô (linh kiện, thiết bị...) được tạo ra trong nước. Điều này thực sự sẽ tạo ra những khác biệt lớn nếu như tỉ lệ nội địa hóa của các dòng xe này lớn, tuy nhiên thực tế hiện nay các dòng xe du lịch tại Việt Nam mới chỉ có giá trị nội địa hóa đạt khoảng 7-10% (báo cáo Bộ Công thương tháng 11/2016) (*).

Tâm lí đợi chờ các chính sách rõ ràng cũng như chưa phải là mùa bán hàng tốt nhất trong năm (từ tháng 10 hàng năm) đã khiến doanh số giảm, buộc các hãng phải thực hiện khá nhiều các chương trình khuyến mãi nhằm lôi kéo khách hàng; và ở phân khúc xe hạng B cũng vậy, với khá nhiều các mức tặng quà và khuyến mãi khá lớn.

Cụ thể, GM Việt Nam tặng 30 triệu đồng cho khách hàng mua xe Chevrolet Aveo; Ford tặng từ 37 - 65 triệu đồng cho khách mua Fiesta; Nissan giảm giá Sunny SV 20 triệu đồng. Thậm chí, đến cả Toyota Vios - ông vua phân khúc hạng B cũng phải được áp dụng chiến dịch miễn phí gói bảo dưỡng định kì 3 năm hoặc 60.000 km, chưa kể các đại lí tự thực hiện việc tặng tiền mặt để tạo sự chú ý hơn nữa của khách hàng.

Việc mua một chiếc ôtô với giá hợp lí luôn là nhu cầu chính đáng của một người tiêu dùng; do đó, vấn đề cần thiết vào lúc này là các cơ quan chức năng sớm có các lộ trình chính thức và rõ ràng về quy định thuế/phí đối với ôtô, tránh những tổn thất không đáng có đối với người dân trong quá trình mua và sở hữu xe.

 

 

Đang xử lý...